Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Trầm cảm và giấc ngủ

“Buồn” là một phần cuộc sống của mỗi người, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hoặc sau những nỗ lực mãi không thấy thành quả. Nhưng buồn bã, lo âu, tuyệt vọng kéo dài dai dẳng cùng với việc không quan tâm đến những điều mà trước đây bạn vẫn thường làm lại là một vấn đề khác, đó là triệu chứng của trầm cảm, một căn bệnh ảnh hưởng đến ít nhất 20 triệu người Mỹ. Trầm cảm không phải là vấn đề có thể bỏ qua hoặc chỉ nghĩ đơn giản là “Rồi sẽ tự hết!”. Thay vào đó, đây là một rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến cách một người ăn, ngủ, biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ. Nguyên nhân của trầm cảm hiện này vẫn chưa được biết, nhưng nó có thể được kiểm soát và điều trị khỏi.

Mối quan hệ giữa giấc ngủ và bệnh trầm cảm rất phức tạp - trầm cảm có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và các vấn đề giấc ngủ có thể gây ra hoặc góp phần vào chứng bệnh trầm cảm. Đối với một số người, triệu chứng của bệnh trầm cảm xảy ra trước khi bắt đầu cảm thấy khó ngủ. Một số người khác thì vấn đề giấc ngủ là những biểu hiện đầu tiên cho chứng bệnh trầm cảm của họ. Các rối loạn giấc ngủ và trầm cảm đều có yếu tố nguy cơ và đặc điểm sinh học tương tự nhau và cả hai chứng bệnh này đều có thể đáp ứng với một số phương pháp điều trị tương tự nhau. Vấn đề giấc ngủ cũng liên quan với việc làm cho tình trạng bệnh trầm cảm trở nên nặng hơn.

Mất ngủ rất phổ biến trong số các bệnh nhân mắc trầm cảm. Bằng chứng cho thấy, những người bị mất ngủ có nguy cơ xuất hiện trầm cảm cao hơn gấp mười lần so với những người ngủ ngon. Bệnh nhân trầm cảm có thể bị một loạt các triệu chứng mất ngủ, bao gồm khó ngủ (khó đi vào giấc ngủ), khó duy trì giấc ngủ (gián đoạn giấc ngủ), ngủ không ngon và buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm cao nhất ở những người có cả hai vấn đề bắt đầu giấc ngủ và duy trì giấc ngủ mất ngủ.


Ngưng thở khi ngủ (OSA) có liên quan đến chứng trầm cảm. Trong một nghiên cứu trên 18 980 người ở châu Âu được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Stanford Maurice Ohayon cho hay, người bị trầm cảm tăng gấp 5 lần nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ là hình thức phổ biến nhất của rối loạn giấc ngủ. Nhưng nếu được can thiệp bằng sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) bệnh nhân có thể cải thiện chứng trầm cảm; một nghiên cứu khác năm 2007 trên bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có sử dụng CPAP trong một năm cho thấy, các triệu chứng của bệnh trầm cảm được cải thiện rõ rệt và lâu dài.

Trong nhiều trường hợp, vì các triệu chứng của bệnh trầm cảm chồng chéo với các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ nên có thể bị chẩn đoán sai. Ví dụ, tâm trạng chán nản có thể là một dấu hiệu của chứng mất ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ hay chứng ngủ rũ. Hội chứng bồn chồn chân (RLS) là một tình trạng thần kinh gây ra cảm giác khó chịu ở chân và các vấn đề giấc ngủ, cũng có liên quan đến trầm cảm. Theo tổ chức Restless Syndrome cho biết, khoảng 40% những người bị chân bồn chồn phàn nàn về các triệu chứng có thể là dấu hiện của chứng trầm cảm nếu như chúng bị đánh giá mà không xem xét đến chứng rối loạn giấc ngủ.

Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm bị rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều hoặc cả hai. Theo nghiên cứu gần đây cho hay, người bị mất ngủ và cả người ngủ quá nhiều đều có nhiều khả năng bị trầm cảm nghiêm trọng và lâu dài. Họ cũng có nhiều khả năng bị giảm cân, suy giảm vận động và không cảm thấy vui. Ngoài ra, năm 2006, Tổ chức giấc ngủ của Mỹ đã bình chọn, trong đó tập trung vào trẻ em trong độ tuổi 11-17, tìm thấy một mối liên hệ mật thiết giữa tâm trạng tiêu cực và các vấn đề về giấc ngủ. Trong số các thanh thiếu niên cho biết họ đang không vui và hài lòng, 73% cho biết họ không đủ ngủ vào ban đêm.

Trầm cảm ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng phụ nữ và người cao tuổi có nhiều khả năng mắc hơn những đối tượng khác. Trong số này, những người cao tuổi có tỷ lệ trầm cảm và vấn đề giấc ngủ cao hơn. Điều này có thể được giải thích một phần bởi người cao tuổi thường mắc cùng lúc nhiều bệnh lý phức tạp. Đối với phụ nữ, do đã trải qua sinh nở và nhiều thay đổi về nội tiết tố trong suốt cuộc đời (chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh) nên có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Cả phụ nữ và người lớn tuổi có tỷ lệ trầm cảm cao hơn được giải thích bởi chứng mất ngủ ở nhóm này cao hơn các nhóm khác.

Rối loạn tình cảm theo mùa (SAD), còn được gọi là "trầm cảm mùa đông" là một loại trầm cảm. Nguyên nhân gây ra SAD được cho là do các thay đổi của ánh sáng và bóng tối xảy ra vào mùa đông. Nhịp sinh học của con người được quy định bởi đồng hồ sinh học của cơ thể và thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vào mùa thu, khi ngày ngắn hơn đêm, nhịp sinh học có thể thay đổi khác đi và dẫn đến trầm cảm. Đối với hầu hết những người bị SAD, các triệu chứng trầm cảm được giải quyết vào mùa xuân khi thời gian ban ngày tăng lên khiến cho ngày dài hơn đêm.


Sống chung với bệnh trầm cảm có thể cực kỳ khó khăn. Trầm cảm không chỉ ảnh ​​hưởng đến cách một người cảm thấy và suy nghĩ mà nó còn liên quan đến vấn đề sức khỏe mãn tính nghiêm trọng như bệnh tim. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của trầm cảm, hãy tìm cách điều trị càng sớm càng tốt.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...
 
Posts RSSComments RSSBack to top
Copyright © 2014 by Ăn ngủ ngon Nguyên Sinh - Giúp ăn ngon, ngủ ngon, điều trị mất ngủ ở người cao tuổi ∙ Templated by Mất ngủ, ăn ngủ ngon.
Giúp bạn ăn ngủ ngon.